Kể chuyện thuyết phục với 5 tiêu chí
Bước đầu tiên để làm chủ nghệ thuật Storytelling.
Maya Angelou, nhà thơ, diễn viên và nhà hoạt động dân quyền người Mỹ từng có câu nói nổi tiếng: “Tôi nhận ra rằng, đến cuối ngày, mọi người có thể sẽ quên những gì bạn đã nói hoặc làm, nhưng họ sẽ không bao giờ quên được cảm xúc mà bạn mang lại cho họ.”
Quả đúng như vậy. Từ xa xưa, con người đã sử dụng câu chuyện để chia sẻ kiến thức, truyền thống và giá trị văn hóa. Ngày nay, Storytelling vẫn luôn là công cụ mạnh mẽ để gây ảnh hưởng và thuyết phục người khác trong nhiều lĩnh vực, từ Giáo dục, Kinh doanh, Marketing cho đến Lãnh đạo và Truyền thông.
Xây dựng thương hiệu cá nhân cũng không phải ngoại lệ.
Bằng cách sử dụng câu chuyện một cách tinh tế và hiệu quả trong bài viết của mình, bạn có thể xây dựng mối liên kết vững chắc, truyền tải giá trị và tác động tích cực đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người đọc.
Xem thêm 👇
Có 5 tiêu chí thuyết phục quan trọng để làm chủ nghệ thuật kể chuyện. Đó là GREAT - Glue (Kết nối), Reward (Phần thưởng/Giá trị), Emotion (Cảm xúc), Authentic (Chân thực) và Target (Mục tiêu).
Hôm nay, chúng ta sẽ đi sâu vào từng tiêu chí nhé!
1️⃣ Kết nối
Yếu tố kết nối đóng vai trò quan trọng đầu tiên để tăng độ gắn kết và tương tác mạnh mẽ giữa người viết và độc giả. Thiếu đi tính kết nối, bài viết sẽ giảm đi cơ hội thể hiện giá trị, tính cảm xúc và chân thực, cũng như khó đạt được mục tiêu đề ra.
Vậy làm thế nào có thể kết nối, xây dựng mối quan hệ, từ đó tạo lòng tin, tác động đến cảm xúc của người đọc và truyền tải thông điệp càng thêm hiệu quả?
Sử dụng ngôn từ gần gũi, dễ hiểu và sinh động
Một nội dung tạo cảm giác thân thiện và thoải mái bao giờ cũng khiến độc giả dễ dàng đọc tiếp. Tất nhiên còn tùy vào đối tượng hướng đến của bạn là ai, nhưng thông thường bạn không nên dùng các từ ngữ chuyên môn học thuật gây cứng nhắc và nhàm chán.
Chẳng hạn, khi nói đến các khái niệm trong Marketing như “Market Research”, “Customer Insight”, tôi thường diễn đạt theo cách dễ hiểu và có sức chạm hơn là “lắng nghe với sự đồng cảm”, “đi sâu vào tâm trí độc giả” hay “đi guốc trong bụng người đọc”.
Kể câu chuyện của mình
Kể chuyện về những kinh nghiệm cá nhân hoặc tình huống mà bạn từng trải qua trong công việc và cuộc sống luôn là cách tuyệt vời để tạo ra sự đồng cảm ở độc giả.
Nick Vujicic là một điển hình trong trường hợp này. Câu chuyện truyền cảm hứng của anh như một điểm tựa tinh thần không chỉ đối với người khuyết tật, mà còn là bất cứ ai trên thế giới vẫn luôn không ngừng vươn lên từ nghịch cảnh để biến điều không thể thành có thể.
Hoặc nếu bạn là một Health Coach, bạn cũng có thể kể về hành trình vượt qua bệnh tật của mình hoặc đơn giản là lấy lại vóc dáng để khích lệ và tiếp động lực hơn cho khách hàng của mình.
Điều bạn cần nhớ là, dù sử dụng ngôn từ dễ hiểu hay kể câu chuyện cá nhân thì nó vẫn phải xuất phát từ sự quan tâm và chân thành. Có như vậy, người đọc mới cảm nhận được tình cảm từ bạn, từ trái tim mới có thể đi tới trái tim, và kết nối khi ấy mới thực sự hình thành.
2️⃣ Giá trị
Một câu chuyện chỉ có ý nghĩa khi bạn tập trung vào chia sẻ giá trị. Không phải kể cho vui, câu like hay tìm kiếm sự hưởng ứng. Lúc này câu chuyện là phương tiện mạnh mẽ để truyền tải thông điệp, kích thích suy ngẫm và tạo uy tín.
Nếu bạn vẫn thấy khái niệm GIÁ TRỊ còn mơ hồ thì những gì tôi viết ngay sau đây là dành cho bạn.
Độc giả sẽ nhận được giá trị thông qua câu chuyện khi:
Bạn mang đến kiến thức giúp mọi người mở mang hiểu biết và nhận thức.
Bạn chia sẻ những câu chuyện về bài học thành công, về sự vươn lên trong cuộc sống để truyền cảm hứng và khích lệ mọi người vượt qua khó khăn.
Bạn đưa ra quan điểm, ý tưởng mới khiến cánh cửa cho sự phát triển cá nhân được mở ra.
Bạn đem lại niềm vui có tính giải trí như âm nhạc, nghệ thuật, giúp mọi người giảm stress và có trạng thái tinh thần tích cực.
Câu chuyện của bạn kích thích thảo luận, chia sẻ ý kiến, từ đó mọi người hiểu và tôn trọng nhau hơn.
Có thể bạn sẽ thích 👇
3️⃣ Cảm xúc
Cảm xúc là yếu tố quyết định khiến bất cứ ai cũng dễ bị cuốn hút vào các câu chuyện và nhân vật. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mỗi người nhận thức hoặc phản ứng.
Do đó, nếu biết sử dụng cảm xúc một cách tinh tế và khéo léo, câu chuyện sẽ càng thêm ấn tượng, và bạn hoàn toàn có thể tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ cho độc giả, đồng thời tác động tích cực đến suy nghĩ và hành vi của họ.
Có 3 mẹo kể chuyện thúc đẩy cảm xúc mạnh mẽ và tương tác sâu sắc với người đọc mà bạn cần trang bị đó là:
Sử dụng ngôn từ sinh động
Ngôn từ có tác động mạnh đến mọi giác quan. Vì thế, sử dụng ngôn từ sinh động và đa dạng là cách để mô tả nhân vật và nhận hưởng ứng từ độc giả. Đó có thể là ngôn ngữ biểu cảm, hình dung hoặc hùng biện - đều giúp kích hoạt trí tưởng tượng và cảm xúc.
Ví dụ:
Cô bé đứng trước cửa hàng kẹo, cặp mắt long lanh nhìn không rời vào những viên kẹo sáng bóng. Và cô không thể kiềm chế được niềm vui khi cuối ngày được thưởng thức hương vị ngọt ngào của viên kẹo mà bố mua cho.
Vẽ ra hình ảnh “gợi cảm”
Để tạo cảm giác sống động cho câu chuyện, bạn hãy thử mô tả chi tiết môi trường, nhân vật và tình huống, giúp người đọc hình dung và trải nghiệm câu chuyện như thể họ đang có mặt ở đó.
Chẳng hạn như:
Mặt trời lặn dần xuống chân trời, tô điểm cả bầu trời bằng màu cam và hồng. Tiếng sóng biển vỗ bờ nhẹ nhàng. Hai người ngồi bên nhau, tay trong tay, đắm chìm trong khung cảnh tuyệt đẹp trước mắt.
Xây dựng tình huống giàu cảm xúc
Bạn có thể thiết kế tình huống hấp dẫn và đầy sức chạm bằng cách đặt nhân vật vào những khó khăn, thử thách, từ đó giúp độc giả đồng cảm và cảm nhận sâu sắc về câu chuyện.
Hãy đọc đoạn này:
Người cha ôm chặt con gái nhỏ, nước mắt tuôn rơi trên mái tóc mềm mại của cô bé. Cô bé ôm lại cha, cảm nhận sự ấm áp và an toàn từ bàn tay của ông. Đám mưa lặng lẽ rơi, như thể thời tiết cũng thấu hiểu và đồng cảm với nỗi lo sợ và niềm vui của hai cha con.
4️⃣ Chân thực
Chân thực vốn là tiêu chí cốt lõi để tạo niềm tin ở người đọc. Khi câu chuyện được kể một cách tự nhiên, nó tạo ra môi trường thân thiện, khiến độc giả thêm tin tưởng vào thông điệp và tác động của câu chuyện càng lớn.
Hơn nữa, chìa khóa của bất cứ mối quan hệ nào vẫn luôn là sự chân thành. Vì vậy, để câu chuyện đáp ứng được tiêu chí thứ tư này, bạn cần lưu ý 2 điểm:
Dựa trên trải nghiệm thật
Chọn những câu chuyện mà bạn đã trải qua, dù là bài học thành công hay thất bại cũng không sao cả. Bởi đó là cách bạn thể hiện sự khác biệt và khẳng định tiếng nói riêng của mình.
Nếu là câu chuyện đến từ nguồn khác, hãy kiểm tra thông tin để đảm bảo tính chân thực. Tránh kể những câu chuyện không rõ ràng hoặc dựa trên tin đồn, vì điều này có thể gây ra sự hoài nghi và không tin tưởng từ độc giả.
Loại bỏ chi tiết không cần thiết
Để truyền tải một cách chân thực và đúng thông điệp, bạn không nên thêm vào câu chuyện những chi tiết thừa hoặc không liên quan. Tập trung vào các yếu tố quan trọng và truyền tải chúng một cách rõ ràng, súc tích là ok.
Nhất là đừng cố gắng làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn bằng cách đưa vào những yếu tố giả tạo. Tôn trọng sự thật và tính đa chiều của câu chuyện sẽ giúp bạn có được lòng tin và trái tim của người đọc hơn.
5️⃣ Mục tiêu
Nói là tiêu chí cuối cùng nhưng thực tế bạn phải thực hiện điều này đầu tiên trước khi cầm bút viết. Đó cũng là nguyên tắc CTA mà tôi đã nói đến trong bản tin số trước.
Vậy để đạt được mục tiêu thuyết phục trong kể chuyện, việc của bạn là:
Xác định mục tiêu
Trước khi kể chuyện, bạn cần có mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thông điệp muốn truyền tải và tác động đến độc giả.
Bạn kể chuyện để làm gì?
Truyền tải một thông điệp?
Làm thay đổi suy nghĩ và hành vi của người đọc?
Thuyết phục người đọc làm một điều gì đó?
Hay bán hàng?
Dù câu trả lời của bạn như nào thì nên làm rõ đích đến của mình ngay từ đầu.
Xây dựng cốt truyện thu hút và thuyết phục
Để tác động mạnh mẽ đến độc giả, bạn hãy chọn câu chuyện chứa đựng những yếu tố và tình huống mà tương thích với thông điệp muốn truyền tải. Cùng với đó là một cốt truyện hấp dẫn và thú vị để duy trì sự chú ý và tò mò ở người đọc.
Ngoài ra, đừng quên những lý lẽ, chứng cứ, ví dụ minh họa có sức mạnh truyền cảm hứng cũng là điều không thể thiếu.
Tóm lại
Kể chuyện không chỉ là nghệ thuật gây ảnh hưởng khi xây dựng thương hiệu cá nhân, mà còn là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống đối với bất cứ ai.
Khi áp dụng 5 tiêu chí khi kể chuyện, chúng ta có thể hình thành kết nối, truyền tải thông điệp hiệu quả, tạo sự đồng cảm và ảnh hưởng tích cực đến người khác.
Bạn tâm đắc với tiêu chí nào nhất - Kết nối, Giá trị, Cảm xúc, Chân thực hay Mục tiêu? Hãy thử áp dụng vào bài viết của mình và chia sẻ kết quả cùng tôi nhé!
Tạm biệt và hẹn gặp lại bạn trong bản tin sau!
Be You With Power Words ✍
🧠 CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bạn đang đọc Your Brand Hacks, bản tin dành cho những ai luôn khao khát xây dựng nhân hiệu chân thực và khác biệt với Copywriting - kỹ năng viết thuyết phục để tạo ra những nội dung tuyệt vời.
Khi bạn sẵn sàng, dưới đây là những cách Kim Chi có thể đồng hành cùng bạn:
✔ Tư vấn miễn phí về Quy trình viết để xây dựng nhân hiệu chân thực & Chiến lược kể chuyện trên Social.
✔ Thư viện tài nguyên hữu ích giúp sáng tạo nội dung thu hút và hiệu quả.
✔ Simple Storytelling - Khóa học giúp nâng cao chất lượng nội dung, xây dựng kết nối sâu hơn với đối tượng mục tiêu và chuyển đổi nhiều khách hàng mơ ước hơn bằng sức mạnh của kể chuyện kỹ thuật số.
✔ Be You - Khóa học “Viết Để Xây Dựng Nhân Hiệu Chân Thực” giúp học viên tỏa sáng một cách trung thực, độc đáo nhờ tìm ra tiếng nói thương hiệu riêng và sáng tạo nội dung chuyên nghiệp thông qua nghệ thuật kể chuyện.
✔ Ghostwriting & Content Marketing - Dịch vụ viết chấp bút/ẩn danh & viết cho Content Marketing giúp tiết kiệm thời gian, công sức để tập trung phát triển kinh doanh. Vui lòng liên hệ để được tư vấn cụ thể.